Khóa học cùng chuyên gia

Nội Dung Của Một Đơn Bảo Hiểm

Tên của chứng từ bảo hiểm này có thể là Insurance Policy hay Insurance Certificate như đã trình bày trước đây. Đôi khi thêm chữ Cargo phía trước: Cargo Insurance Policy hay Cargo Insurance Certificate.

MỤC LỤC

    1. Tên chứng từ

    Tên của chứng từ bảo hiểm này có thể là Insurance Policy hay Insurance Certificate như đã trình bày trước đây. Đôi khi thêm chữ Cargo phía trước: Cargo Insurance Policy hay Cargo Insurance Certificate.

    2. Người bảo hiểm (The insurer)

    Là người ký kết hợp đồng bảo hiểm với người được bảo hiểm, nhận rủi ro tổn thất về phía mình và được hưởng một khoản phí bảo hiểm. Người bảo hiểm có thể là các công ty bảo hiểm như hay đại lý bảo hiểm. Nếu L/C không chấp nhận người bảo hiểm là một đại lý bảo hiểm, thì một chứng từ bảo hiểm được cấp bởi người bảo hiểm là đại lý như vậy sẽ không được ngân hàng chấp nhận thanh toán.

    3. Người được bảo hiểm (The insured)

    Là người có quyền lợi bảo hiểm được một công ty bảo hiểm đảm bảo. Người có quyền lợi bảo hiểm là người mà khi có sự cố bảo hiểm xảy ra thì dẫn họ đến một tổn thất, một trách nhiệm pháp lý hay làm mất đi của họ những quyền lợi được pháp luật thừa nhận. Là người sẽ thụ hưởng tiền bồi thường nếu có tổn thất xảy ra.

    Cần phân biệt người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Hai người này là khác nhau. Trong trường hợp mua bán theo điều kiện CIF hay CIP, người mua bảo hiểm là người xuất khẩu. Nhưng người được bảo hiểm có thể là người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu tuỳ thoả thuận giữ hai bên. Vấn đề này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần ký hậu và chuyển nhượng Đơn bảo hiểm.

    Mục này thường ghi tên công ty và địa chỉ công ty được bảo hiểm.

    4. Đối tượng được bảo hiểm (Subject matter insured)

    Là lô hàng trong hợp đồng ngoại thương. 

    Mục này thường ghi:

    Tên hàng: giống như vận đơn

    Số lượng hàng:

    Cách đóng gói sơ bộ (nếu có)

    5. Một vài dẫn chiếu khác

    Dẫn chiếu số hoá đơn, ngày hoá đơn

    Dẫn chiếu số hợp đồng, ngày hợp đồng

    Dẫn chiếu số L/C, ngày mở L/C

    6. Thông tin vận tải

    Tên tàu, số chuyến, cảng đi, cảng đến, Chuyển tải…

    Số vận đơn, ngày vận đơn

    7. Điều kiện bảo hiểm (Condition of Insurance)

    Ghi rõ là điều kiện ICC (C), ICC (B) hay ICC (A)

    8. Trị giá bảo hiểm V (Insurance Value)

    Là trị giá của tài sản và các chi phí hợp lý khác có liên quan như phí bảo hiểm, cước phí vận tải, lãi dự tính.

    Trị giá bảo hiểm được tính như sau:

    V = C + I + F (+ a) = CIF (+ a) (1)

    I = CIF x R (2)

    Trong đó:

    C: giá FOB của hàng hoá (tại cảng gửi hàng, căn cứ vào hoá đơn thương mại)

    I: phí bảo hiểm

    F: cước phí vận tải

    a: phần trăm lãi dự tính

    R: tỷ lệ phí bảo hiểm

    (1) & (2) => CIF = C + F + CIF x R

    CIF (1 - R) = C + F

    V = CIF = (C + F) / (1 - R) (3)

    Nếu mua bảo hiểm cho cả phần lãi dự tính:

    V lãi = (C + F) x (1 + a) / (1 - R) (4)

    Thông thường a = 10% (trong công thức 4)

    Trong công thức (3) a = 0

    Trên Đơn bảo hiểm thường được ghi như sau:

    “Insured Value = 110% invoice value = 110% x USD20,000.00 = USD22,000.00”

    9. Số tiền bảo hiểm A (Insurance Amount hay Insured Sum)

    Là số tiền mà người được bảo hiểm kê khai và được người bảo hiểm chấp nhận. Số tiền bảo hiểm có thể nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn giá trị bảo hiểm. Nếu số tiền bảo hiểm nhỏ hơn trị giá trị bảo hiểm thì gọi là bảo hiểm dưới giá trị, bằng trị giá bảo hiểm thì gọi là bảo hiểm tới giá trị, nếu lớn hơn thì gọi là bảo hiểm trên giá trị. Khi bảo hiểm lớn hơn giá trị thì phần lớn hơn đó vẫn có thể phải nộp phí bảo hiểm nhưng không được bồi thường khi tổn thất xảy ra. Đa số các công ty bảo hiểm thường bảo hiểm bằng giá trị. (A = V)

    A ≤ V

    A = V = (C + F) x (1 + a) / (1 - R).

    A < V: số tiền bồi thường bằng giá trị tổn thất nhân với tỷ lệ A/V

    Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, nếu số tiền bảo hiểm chỉ bằng trị giá hoá đơn hay giá FOB hoặc giá CFR của hàng hoá thì người được bảo hiểm chưa bảo hiểm đầy đủ giá trị hay bảo hiểm dưới giá trị (under insurance).

    10. Tỷ suất phí bảo hiểm R (Insurance Rate)

    Tỷ suất phí bảo hiểm: Là một tỷ lệ phần trăm nhất định thường do các công ty bảo hiểm công bố. Tỷ lệ phí bảo hiểm được tính dựa vào thống kê rủi ro tổn thất trong nhiều năm. Xác suất xảy ra rủi ro càng lớn thì tỷ lệ phí bảo hiểm càng cao. Các công ty bảo hiểm thường công bố bảng tỷ lệ phí bảo hiểm cho từng nghiệp vụ bảo hiểm.

    Tại Việt Nam, tỷ suất phí bảo hiểm được ban hành 5 năm một lần dựa trên khung phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành.

    Là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp tính phí bảo hiểm cũng như chi phí xuất khẩu.

    Tỷ suất phí bảo hiểm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

    • Loại hàng hoá, bao bì

    • Cách xếp hàng (trên boong hay trong hầm tàu)

    • Loại tàu (cắm cờ thường hay cờ phương tiện, tuổi tàu…)

    • Quãng đường vận chuyển

    • Điều kiện bảo hiểm

    • Quan hệ với công ty bảo hiểm

    • Chính sách của một quốc gia

    11. Phí bảo hiểm (Insurance Premium)

    Là một khoản tiền nhỏ mà người được bảo hiểm phải trả cho người bảo hiểm để được bồi thường khi có tổn thất do các rủi ro đã thoả thuận gây nên.

    Phí bảo hiểm thường được tính toán dựa trên cơ sở tính toán xác suất xảy ra của những rủi ro gây ra tổn thất hoặc trên cơ sở thống kê tổn thất.

    Phí bảo hiểm đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được tính toán trên cơ sở tỷ lệ phí bảo hiểm và phụ thuộc vào số tiền bảo hiểm hay giá trị bảo hiểm.

    Nếu A = V => I = R x V hay I = (C + F) x (1 + a) / (1 - R)

    Nếu A < V => I = R x A

    Theo QTC 2004: 

    Đối với hàng nhập khẩu và hàng hoá được mua bảo hiểm tại Việt Nam thì a ≤ 10%

    Đối với hàng hoá xuất khẩu (bán CIF) thì a bằng bao nhiêu là do thoả thuận giữa người mua và người bán trong hợp đồng mua bán hàng hoá.

    Bán CIF/CIP Incoterms 2010 mà trong hợp đồng mua bán không có quy định gì về a thì thường mua bảo hiểm với điều kiện bảo hiểm tối thiếu C, nếu tính cả lãi dự tính thì mua 110% trị giá CIF/CIP, đồng tiền bảo hiểm do L/C quy định.

    12. Bên giám định tổn thất:

    Thường là một bên có văn phòng ở nước người nhập khẩu

    13. Bên trả tiền bồi thường thiệt hại:

     Thường là tên của công ty bảo hiểm

    14. Bên thụ hưởng tiền bồi thường thiệt hại:

    Thường là tên của công ty được bảo hiểm

    15. Ngày phát hành/Nơi phát hành Đơn bảo hiểm

    Ngày ghi trên hợp đồng bảo hiểm phải là ngày hoặc trước ngày ghi trên B/L hay ngày hàng hoá được xếp lên tàu.

    16. Chữ ký của bên phát hành Đơn bảo hiểm

    ​​Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX

    Mọi chi tiết về Khóa họcGiảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.

    LÊ SÀI GÒN
    Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

    "Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

    Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex