Khóa học cùng chuyên gia

Điều Kiện Free Carrier - FCA

Giao hàng cho người chuyên chở có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu cho người mua tại cơ sở của người bán hoặc tại nơi thoả thuận khác. Người bán sẽ kết thúc trách nhiệm của mình khi giao hàng cho người chuyên chở do người mua thuê (hoặc giao lên phương tiện chuyên chở của chính người mua sở hữu). Mọi rủi ro liên quan đến hàng hoá sẽ được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi hàng được giao như vậy. Người chuyên chở do người mua thuê, hoặc người mua (trong trường hợp người mua sở hữu phương tiện chuyên chở) yêu cầu người bán giao ở đâu, thì người bán sẽ hết trách nhiệm ở đó.

MỤC LỤC

    1. Tóm tắt chung về Điều Kiện Free Carrier - FCA - Incoterms 2020

    Giao hàng cho người chuyên chở có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu cho người mua tại cơ sở của người bán hoặc tại nơi thoả thuận khác. Người bán sẽ kết thúc trách nhiệm của mình khi giao hàng cho người chuyên chở do người mua thuê (hoặc giao lên phương tiện chuyên chở của chính người mua sở hữu). Mọi rủi ro liên quan đến hàng hoá sẽ được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi hàng được giao như vậy. Người chuyên chở do người mua thuê, hoặc người mua (trong trường hợp người mua sở hữu phương tiện chuyên chở) yêu cầu người bán giao ở đâu, thì người bán sẽ hết trách nhiệm ở đó.

    Nghiep Vu Xuat Nhap Khau Incoterms 2020 Free Carrier - FCA

    Ảnh: FCA là điều kiện thay thế tuyệt với cho điều kiện EXW giao tại kho, và phù hợp với tập quá mua bán hàng hóa quốc tế

    2. Nghĩa vụ cụ thể về Chi phí và Rủi ro của Điều Kiện Free Carrier - FCA

    2.1. Người bán thông quan xuất khẩu. Người mua thông quan nhập khẩu

    2.2. Người mua thuê phương tiện vận tải

    •  Người mua trả trả cước chặng chính Ocean Freight hoặc Air Freight
    •  Người mua trả THC at POL
    •  Người mua trả THC at POD

    Hai bên mua/bán phải rất lưu ý mục này trong lúc chào giá/thương thảo giá hàng bán vì rất nhiều trường hợp hai bên nhầm lẫn mục này. Vì thông thường hãng bay/hãng tàu sẽ chào giá cước bay/cước tàu theo kiểu phí THC bên nào bên đó trả. Người bán phải nhắc nhớ và lập luận chặt chẽ để người mua hiểu và chịu phí này ngay từ đầu. Nếu có thoả thuận khác đi thì phải nêu rõ trước khi ký hợp đồng.

    2.3. Địa điểm giao hàng ở nước người bán. Có các địa điểm giao hàng thường được lựa chọn thỏa thuận khi ký hợp đồng:

    Hoặc FCA (Kho người bán);

    Hoặc FCA (Sân bay đi/ví dụ Sân bay Tân Sơn Nhất);

    Hoặc FCA (cảng xuất/ví dụ Cảng Cát Lái).

    2.4. Việc bốc – dỡ

    Dù giao ở xưởng người bán: FCA (Seller’s Warehouse) hay giao tại sân bay Tân Sơn nhất FCA (Tân Sơn Nhất Airport) hay giao ở cảng biển: FCA (Cảng Cát Lái) thì:

    • Người bán chịu chi phí + Rủi ro bốc hàng lên phương tiện vận tải tại xưởng người bán.

    • Người mua chịu chi phí + Rủi ro bốc hàng lên máy bay/tàu (trả phí THC đầu bốc).

    • Người mua chịu chi phí + Rủi ro dỡ hàng xuống máy bay/tàu (trả phí THC đầu dỡ)

    • Người mua chịu chi phí + Rủi ro dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải tại xưởng người mua.

    2.5. Việc chuyển rủi ro

    Người bán hết trách nhiệm khi giao hàng cho người chuyên chở. Người chuyên chở yêu cầu giao ở đâu thì người bán sẽ hết trách nhiệm ở đó. Cụ thể:

    Nếu hai bên thỏa thuận trên hợp đồng là giao tại xưởng của người bán – FCA (Xưởng người bán)

    Người bán phải bốc xong hàng lên xe tải/container tại xưởng người bán thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro.

    Nếu hai bên thỏa thuận trên hợp đồng là giao tại sân bay nước bán – FCA (sân bay đầu đi)

    Trường hợp hãng vận chuyển yêu cầu người bán mang hàng đến tận sân bay Tân Sơn Nhất (cụ thể là giao đến các kho hàng SCSC, TCS, kho DHL, FEDEX…) cho các hãng vận chuyển mà người mua thuê, thì người bán chở hàng đến các ‘kho’ SCSC, TCS, kho DHL, FEDEX này… để giao cho hãng vận chuyển là hết trách nhiệm. Nói rõ hơn, người bán không chịu trách nhiệm và chi phí cho việc dỡ hàng xuống khỏi xe tải tại các ‘kho’ này. Và nôm na, nếu mất hàng trong kho này thì rủi ro/chi phí này người mua chịu.

    Trường hợp hãng vận chuyển yêu cầu người bán để hàng tại kho người bán, hãng vận chuyển tự đến kho hàng của người bán để lấy và chở hàng đi, thì người bán chỉ cần chất hàng lên phương tiện của hãng vận tải này là người bán hết trách nhiệm. Vậy, có thể thấy, dù hợp đồng thỏa thuận là FCA (sân bay đi) nhưng người bán sẽ hết trách nhiệm theo yêu cầu của người chuyên chở. Người chuyên chở bảo người bán giao ở đâu thì người bán hết trách nhiệm ở đó.

    Nếu hai bên thỏa thuận trên hợp đồng là giao tại cảng biển nước bán – FCA (cảng biển đầu xuất)

    Trường hợp hãng tàu yêu cầu người bán chỉ chở hàng/container đến các ICD-cảng khô-cảng nội địa, gần cảng biển đi

    Người bán chỉ cần chở hàng đến các các ICD này là người bán hết trách nhiệm chịu rủi ro. Thậm chí người bán không chịu trách nhiệm và chi phí cho việc dỡ hàng xuống khỏi xe tải/xe containers tại ICD này. Và nôm na, nếu mất hàng trong ICD này hay bất cứ rủi ro nào phát sinh trong đoạn đường từ ICD này đến cảng biển đầu xuất thì rủi ro/chi phí này người mua chịu.

    Trường hợp hãng tàu yêu cầu người bán chở hàng/container thẳng ra đến cảng biển đi

    Người bán phải chở hàng đến cảng biển đó, đặt hàng ở cầu cảng sát mép tàu là hết trách nhiệm chịu rủi ro. Người bán không chịu trách nhiệm và chi phí cho việc dỡ hàng xuống khỏi xe tải/xe containers tại cảng này. Sau đó, nếu có rủi ro trong quá trình bốc hàng lên tàu, rủi ro đó người mua chịu.

    2.6. Không bắt buộc ai phải mua bảo hiểm. Người Mua là người nên mua bảo hiểm cho lô hàng.

    3. Lưu ý khi sử dụng điều kiện Free Carrier - FCA

    • Ngày nay, khi hàng hóa được chở đi bằng container, để tránh tình trạng tắc nghẽn đường ra vào các cảng – dẫn đến việc tàu xuất bến trễ, hãng tàu thường yêu cầu người bán chở hàng ra tập kết ở các ICD thay vì ra cảng biển, đoạn đường từ ICD ra đến cảng biển đầu xuất là do hãng tàu tự sắp xếp vận chuyển. Do vậy, trong trường hợp này, để kết thúc rõ ràng trách nhiệm của mình (giao cho hãng tàu là hết trách nhiệm), thì các chủ hàng xuất khẩu nên sử dụng điều kiện FCA thay vì sử dụng các điều kiện FAS, FOB – những điều kiện mà người xuất khẩu phải chịu trách nhiệm ra đến tận cảng biển đi - dù là hãng tàu có yêu cầu chủ hàng giao container hàng ở đâu đi chăng nữa.

    • Khi sử dụng điều kiện FCA trong giao hàng đường biển, người bán và người mua, và nhất là ngân hàng Mở L/C (trong trường hợp thanh toán bằng tín dụng chứng từ) thường rất muốn hãng tàu phát hành vận đơn có ghi chú “On-board” – Đã giao hàng lên tàu. Tuy nhiên, khi giao hàng ở ICD theo yêu cầu của hãng tàu thì người bán được xem là hoàn thành trách nhiệm giao hàng của mình, kể cả trước khi hàng hóa được bốc lên tàu. Khi đó, không có gì chắc chắn rằng hãng tàu sẽ đồng ý phát hành vận đơn có ghi chú “on-board” cho người bán, vì hãng tàu chỉ có trách nhiệm và ràng buộc ghi dòng chữ “on-board” khi hàng đã thực sự nằm trên tàu. Để giải quyết tình huống này, người bán và người mua có thể thỏa thuận rằng: ‘người mua sẽ yêu cầu hãng tàu phát hành B/L on-board cho người bán sau khi hãng tàu này đã nhận hàng để chở ngay từ ICD. Việc này có thể khiến hãng tàu không mấy vui vẻ để hỗ trợ vì đó là việc sai nguyên tắc ‘Hàng chưa lên tàu thì không thể đóng dấu on-board cho chủ hàng’. Về phía người bán, dễ thấy rằng điều này rất có lợi cho người bán. Khi người mua đồng ý hỗ trợ làm việc với hãng tàu để người bán có được con dấu “on board” sớm hơn - chứ không cần đợi hàng đã lên tàu mới đóng dấu on-board, thì người bán có thể xuất trình được bộ chứng từ sớm hơn (cho người mua, hoặc cho ngân hàng) và sẽ nhận được tiền thanh toán cho lô hàng sớm hơn.​

    ​​Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX

    LÊ SÀI GÒN
    Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

    "Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

    Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex